Cảnh sát biển Việt Nam là gì? Tìm hiểu về Cảnh sát biển Việt Nam
Cảnh sát biển Việt Nam là gì? Tìm hiểu về Cảnh sát biển Việt Nam
Cảnh sát biển Việt Nam là gì? Tìm hiểu về Cảnh sát biển Việt Nam
I. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập ngày 28/8/1998 theo Quyết định số 1069/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Cục Cảnh sát biển (tiền thân của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam). Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền (Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018).
Với truyền thống “kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, mỗi bước đi của Cảnh sát biển Việt Nam đều gắn liền với nhiệm vụ cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Qua hơn 23 năm xây dựng và trưởng thành, Cảnh sát biển Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã hội, Nhân dân cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng như dư luận quốc tế tiến bộ, chuộng hòa bình quan tâm, ủng hộ.
II.NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân (Điều 4 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018).
III. NHIỆM VỤ
Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018).
IV. QUYỀN HẠN
Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp. Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.Áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018).
V. PHẠM VI HOẠT ĐỘNG
Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 11 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018).
VI. HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 2; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 3; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 4; Đoàn Trinh sát số 1; Đoàn Trinh sát số 2;Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển và Các cơ quan, đơn vị đầu mối và cấp cơ sở trực thuộc (Điều 7 Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 của Chính phu quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam).
Phạm vi hoạt động và địa bàn quản lý: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 quản lý vùng biển từ cửa sông Bắc Luân tỉnh Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 quản lý vùng biển từ đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị đến Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý vùng biển từ bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.
Phạm vi hoạt động và địa bàn quản lýcủa Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 2; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 3; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 4; Đoàn Trinh sát số 1; Đoàn Trinh sát số 2 do Tư lệnh Cảnh sát biển quy định.
VII. TRANG BỊ
Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (Điều 33 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018).