NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944-22/12/2024), KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ VIỆT NAM (28/3/1935-28/3/2025) ... Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

BỘ QUỐC PHÒNG TRẢ LỜI 08 KIẾN NGHỊ SỬA CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

BỘ QUỐC PHÒNG TRẢ LỜI 08 KIẾN NGHỊ SỬA CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

 BỘ QUỐC PHÒNG TRẢ LỜI 08 KIẾN NGHỊ SỬA CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ



Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 1433/PB-VPCP ngày 30/7/2022; với nội dung: “Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghĩa vụ quân sự”.


Ngày 22/9/2022, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:


🛑1. Về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu với hình thức tăng mức xử phạt hành chính bằng tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực quốc phòng và có chế tài mạnh hơn, cụ thể hơn khi không chấp hành việc xử phạt, nhằm răn đe và nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật NVQS và Luật lực lượng DBĐV.


Ngày 06/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nghị định 37/2022/NĐ-CP); có hiệu lực từ ngày 22/7/2022; trong đó quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực NVQS sửa đổi, bổ sung các Điều 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 37, 38, 43 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP; theo đó mức xử phạt hành chính tăng lên nhiều so với trước đây, bổ sung, quy định cụ thể thêm các hành vi vi phạm, nhất là quy định về biện pháp và thời gian khắc phục, phân định thẩm quyền xử phạt…; cùng với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, góp phần ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm liên quan về NVQS trong thực hiện Luật NVQS và pháp luật về lực lượng DBĐV hằng năm tại các địa phương.


🛑2. Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh phù hợp giữa Luật NVQS và Luật cư trú để bảo đảm sự công bằng và trách nhiệm nam công dân với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc: Theo Luật cư trú quy định việc tạm trú, tạm vắng thì người đi làm ăn xa, học tập xa chỉ cần xuất trình CCCD nơi tạm trú, không cần xin Giấy tạm vắng tại địa phương nhằm tạo sự thuận tiện cho công dân, nhưng địa phương lại gặp khó khăn trong công tác quản lý như việc đăng ký khám tuyển NVQS, gọi thanh niên nhập ngũ. Đề nghị nghiên cứu có quy định cơ quan, doanh nghiệp, trường học nơi tạm trú… khi tiếp nhận làm việc, học tập, tạm trú người ở xa phải có Giấy xác nhận tạm vắng ở địa phương và có biện pháp thông tin giữa nơi tạm trú và nơi cho tạm vắng để theo dõi những vấn đề liên quan về thân nhân của công dân.


Thực hiện quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo quy định của pháp luật bao gồm những hoạt động của Hội đồng NVQS các cấp, Hội đồng khám sức khỏe theo trình tự, thủ tục; trong đó, cơ quan quân sự, công an làm nòng cốt tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện, gồm: Quản lý chặt chẽ nguồn công dân nhập ngũ, nắm chắc những công dân vắng mặt khỏi địa phương; cùng với đó, là công tác tuyên truyền giáo dục về quyền và nghĩa vụ của công dân cũng như trách nhiệm của gia đình có công dân trong diện thực hiện NVQS; thực hiện “bình cử” tại cấp thôn (tổ dân phố) bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh biện pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý; xét duyệt gọi khám sức khỏe, gọi nhập ngũ của Hội đồng NVQS cấp xã, huyện; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được tự do làm việc, đi lại, nhưng vẫn chấp hành nghiêm túc quyết định của địa phương trong quá trình gọi khám sức khỏe, gọi nhập ngũ. Trường hợp cố tình vi phạm như: Trốn tránh nhận Lệnh gọi khám sơ tuyển, khám tuyển, lệnh gọi nhập ngũ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.


Bộ Quốc phòng tiếp thu, thời gian tới tiếp tục phối hợp Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương (thành viên Hội đồng NVQS) tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ trong thời gian khám tuyển sức khỏe NVQS, gọi nhập ngũ, nhất là khoảng thời gian từ ngày 01/11 đến 31/12 hằng năm.


🛑3. Xem xét, sửa đổi tiêu chuẩn nhập ngũ đối với công dân bị tật khúc xạ cận thị: Đề nghị được tuyển công dân cận thị dưới 02 điop (sức khỏe loại 3) được nhập ngũ vì không ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ huấn luyện, công tác và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực của địa phương nhất là những công dân có trình độ cao đẳng, đại học để nâng cao chất lượng tuyển quân và phù hợp về sức khỏe của thanh niên trong diện tham gia NVQS hiện nay.


Quy định về tiêu chuẩn thị lực là một tiêu chí quan trọng khi đánh giá, phân loại sức khỏe đối với công dân nhập ngũ, nhằm đảm bảo người chiến sĩ có đủ tiêu chuẩn về thị lực khi hoạt động trong môi trường quân sự; vì vậy Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ Quốc phòng quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4, cụ thể: “Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 điop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS”.


Lý do, hoạt động của người chiến sĩ trong môi trường quân sự mang tính đặc thù, cường độ cao; hằng ngày, hằng tuần, chiến sĩ phải tham gia huấn luyện quân sự, diễn tập thực binh, sử dụng vũ khí khí tài, trang thiết bị khi huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trong đó bắn súng là hoạt động đặc trưng nhất của người chiến sĩ, yêu cầu phải có thị lực tốt; ngoài ra còn có các hoạt động rèn luyện về thể chất, hoạt động tác chiến ban ngày, ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết, địa bàn rừng núi, trên không, trên biển; như vậy trong môi trường Quân đội đòi hỏi người chiến sĩ luôn phải có thị lực tốt mới đáp ứng được yêu cầu huấn luyện, rèn luyện. Nếu gọi nhập ngũ những công dân cận thị trên 1,5 điop hoặc viễn thị sẽ không bảo đảm cho yêu cầu đối với hoạt động quân sự của người chiến sĩ.


Vì vậy, việc hạ thấp tiêu chuẩn sức khỏe về mắt trong thực hiện NVQS cần nghiên cứu thấu đáo. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất cụ thể để đảm bảo nguồn công dân nhập ngũ của địa phương, đồng thời đảm bảo chất lượng công dân nhập ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.


🛑4. Sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 5 Thông tư liên tịch số 50/2016/TT-LT-BQP-BCA ngày 15/4/2016 của Liên Bộ Quốc phòng - Bộ Công an quy định về hình xăm, chữ xăm đối với công dân sẵn sàng nhập ngũ để hạn chế việc công dân lợi dụng xăm chàm để trốn tránh thực hiện NVQS.


Quy định về hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ vào phục vụ trong Quân đội được quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam (Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA); theo đó tại khoản 9 Điều 5 quy định không tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội những trường hợp sau: “Trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.”


Như vậy, quy định về hình xăm, chữ xăm trên cơ thể là một trong những nội dung thuộc tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ; vì vậy, quá trình tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, nếu để những công dân có hình xăm, chữ xăm với nội dung nêu trên nhập ngũ vào Quân đội, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng, xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội. Những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm không thuộc các quy định trên hoặc có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét, gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số công dân đã lợi dụng quy định này cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để trốn tránh thực hiện NVQS, gây dư luận bất bình trong nhân dân.


Để kịp thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng, trốn tránh thực hiện NVQS, hằng năm Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và có hướng dẫn chi tiết cụ thể về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, do đó, chất lượng công tác tuyển quân từng bước được nâng lên; góp phần hạn chế hành vi công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm trên cơ thể để trốn tránh thực hiện NVQS.


Về giải pháp, Bộ Quốc phòng tiếp thu và chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật NVQS; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, và các bộ sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.


Cùng với đó, các địa phương, đơn vị quân đội tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 98/CT-BQP ngày 26/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường biện pháp, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trong tình hình mới.


Bộ Quốc phòng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương phát huy vai trò giám sát về nội dung thực hiện Luật NVQS, không để vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, để pháp luật về NVQS được thực thi nghiêm túc, phát huy hiệu quả tích cực, thiết thực tại địa phương.


🛑5. Chỉ đạo thống nhất các đơn vị nhận quân trước khi phúc tra, loại trả, đổi bù quân số phải gửi văn bản về Bộ CHQS cấp tỉnh và gia đình quân nhân để địa phương quản lý và gia đình yên tâm với lý do con em được loại trả.


Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (gọi chung là tuyển quân) trong những năm qua được cấp ủy, chính quyền các địa phương và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, chặt chẽ; quá trình thực hiện đề cao dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật, đạt 100% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, chất lượng ngày càng được nâng lên; góp phần bảo đảm quân số huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác được giao; đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.


Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số hạn chế: Trong đó, công tác khám sức khỏe NVQS, xét duyệt gọi công dân nhập ngũ ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ, còn để lọt công dân không đủ điều kiện nhập ngũ vào Quân đội (sau khi về đơn vị tổ chức phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới còn phải loại trả, bù đổi về sức khỏe, về chính trị, đạo đức).


Ngày 04/10/2018, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 148/2018/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; trong đó có nội dung phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới và bù đổi quân số. Qua gần 04 năm thực hiện đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các đơn vị với địa phương.


Bộ Quốc phòng tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị phối hợp địa phương thực hiện việc phúc tra, loại trả, bù đổi chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.


🛑6. Sửa đổi khoản 2 Điều 8 Thông tư số 143/2020/TT-BQP ngày 08/12/2020 của Bộ Quốc phòng theo hướng nâng thời gian quy định thời hạn sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho thân nhân người tham gia đi nghĩa vụ quân sự (NVQS) và người hoàn thành NVQS thêm 6 tháng để phù hợp với thực tế và đáp ứng chính sách hậu phương quân đội.


Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; điểm a, điểm 1 khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, quy định chế độ, chính sách BHYT đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân; theo đó, thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam là đối tượng được cấp thẻ BHYT và hưởng chế độ BHYT theo quy định của Luật BHYT; thời hạn sử dụng thẻ BHYT của thân nhân tương ứng với thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ theo Luật NVQS. Do đó, khi hạ sĩ quan, binh sĩ đã xuất ngũ thì thân nhân của họ không thuộc đối tượng được hưởng chế độ BHYT theo quy định của Luật NVQS, Luật BHYT và được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 143/2020/TT-BQP.


Bộ Quốc phòng tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chế độ, chính sách BHYT đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ cho phù hợp thực tiễn trong tình hình hiện nay, bảo đảm tốt hơn quyền lợi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.


🛑7. Phối hợp Bộ Công an xem xét và điều chỉnh thực trạng đối với quân nhân phục vụ nghĩa vụ Công an sau khi trở về địa phương là do quân sự quản lý, nhưng do đặc thù huấn luyện của quân sự và công an khác nhau nên địa phương không thể đưa đối tượng là Công an xuất ngũ vào lực lượng dự bị động viên của địa phương được.


Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là công dân nam thôi phục vụ trong CAND, được quy định tại điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; theo đó là một trong những tiêu chí để xác định công dân đó là quân nhân dự bị (QNDB) hạng 1 hoặc hạng 2; đồng thời là cơ sở sắp xếp QNDB vào đơn vị dự bị động viên. Quá trình phục vụ trong ngạch dự bị, nếu được sắp xếp, biên chế vào đơn vị dự bị động viên, QNDB phải tham gia chương trình huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trên thực tế đối tượng là Công an xuất ngũ khi tham gia huấn luyện có yếu tố thuận lợi nhất định (do đã tham gia huấn luyện công an) và đều hoàn thành tốt chương trình huấn luyện quân sự đề ra. Việc đăng ký, quản lý QNDB cho công dân cư trú tại địa phương do cơ quan quân sự cấp xã và huyện thực hiện thống nhất theo quy định tại Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019.


Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


🛑8. Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính phối hợp.


“Hướng dẫn bảo đảm nguồn kinh phí và thủ tục thanh quyết toán thẻ học nghề cho quân nhân xuất ngũ theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ; bổ sung, thay thế các nghề đào tạo phù hợp yêu cầu tuyển dụng nghề hiện nay của xã hội; đối với đối tượng bảo lưu kết quả học tập để tham gia NVQS, sau khi hoàn thành NVQS trở lại tiếp tục học tập tại các trường TC, CĐ, ĐH thì nghiên cứu phương thức quy đổi kinh phí từ “Thẻ học nghề” thành học phí trong hệ thống thanh toán kinh phí học tập của các trường đối với đối tượng là quân nhân xuất ngũ”.


Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm (Nghị định số 61/2015/NĐ-CP), trong đó có quy định chế độ trợ cấp học nghề, tạo việc làm đối với bộ đội xuất ngũ; theo đó hằng năm, Nhà nước dành nguồn ngân sách hỗ trợ học nghề chung cho các đối tượng chính sách, riêng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ; tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp; người học được lựa chọn thời điểm đi học, ngành nghề theo nguyện vọng tại các cơ sở đào tạo và được thanh toán bằng thẻ học nghề, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ về địa phương có nhiều cơ hội tìm việc làm, có thu nhập ổn định và phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội và bảo đảm an sinh xã hội. Như vậy, về nguyên tắc bộ đội xuất ngũ mới được hỗ trợ tạo việc làm, được cấp thẻ học nghề và chỉ có tham gia học nghề trình độ sơ cấp tại các cơ sở đào tạo đúng luật định mới được hỗ trợ tiền học nghề.


Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và các cơ sở đào tạo, tăng cường tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chính sách hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ và công tác hậu phương quân đội; bộ đội xuất ngũ tham gia học nghề ở trình độ sơ cấp được miễn học phí, hỗ trợ một phần chi phí về chỗ ở, tiền ăn, sinh hoạt phí, tạo sức thu hút bộ đội xuất ngũ, tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc, đa số sau khi học nghề được hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn hoặc tham gia thị trường lao động ngoài nước, có thu nhập ổn định.


Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc đó là: nhiều quân nhân xuất ngũ đang bảo lưu kết quả học tập hoặc đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, không có nhu cầu học nghề, thời gian sử dụng thẻ và thủ tục thanh quyết toán còn bất cập… dẫn đến chưa phát huy tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với bộ đội xuất ngũ.


Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm về chế độ chính sách, công tác hậu phương quân đội đối với lực lượng vũ trang nói chung; trong đó, có thành phần hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, xuất ngũ, nâng mức trợ cấp học nghề; đồng thời, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khảo sát, nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định về chính sách hỗ trợ học nghề và phương pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn, hiệu quả trong tình hình hiện nay, bảo đảm tốt hơn quyền lợi đối với bộ đội xuất ngũ.


Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Quốc phòng đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri.

Tin mới